Ở những phần trước mình đã giới thiệu cho các bạn về chứng chỉ PMP cũng như là làm thế nào để nhồi nhét được đống kiến thức vào đầu.
Ở phần này mình sẽ hướng dẫn các bạn làm hồ sơ đăng ký thi PMP, sau đó sẽ review buổi thi cũng như là chia sẻ chiến lược làm đề của mình.
1. Làm hồ sơ thi PMP
Đầu tiên bạn phải vào trang pmi.org để đăng ký account, đăng ký thông tin cá nhân. Sau đó mới bắt đầu làm hồ sơ để đăng ký dự thi PMP được.
Như ở phần một của serie bài viết về PMP này mình đã nhắc tới điều kiện cần để thi gồm có điều kiện về kinh nghiệm cũng như điều kiện về đào tạo, và quá trình làm hồ sơ là lúc bạn cần phải khai báo những thông tin này.
Mình sẽ trích dẫn lại về điều kiện dự thi như bên dưới.
Yêu cầu học vấnYêu cầu kinh nghiệmYêu cầu kiến thức quản lý dự án
Tốt nghiệp Trung Học, cao đẳng | Tối thiểu 5 năm kinh nghiệm quản lý dự án , tương đương với 7500 giờ làm quản lý. | 35 giờ học quản lý dự án chính thức do các đối tác chính thức của PMI tổ chức. |
Tốt nghiệp Đại Học | Tối thiểu 3 năm kinh nghiệm quản lý dự án, tương đương với 4500 giờ làm quản lý. |
- Về điều kiện kinh nghiệm : Tùy vào yêu cầu học vấn bạn cần khai báo chi tiết các dự án bạn làm trong vai trò quản lý để chứng minh kinh nghiệm thỏa mãn yêu cầu của PMI. Ví dụ như trong trường hợp của mình thì mình khai báo khoảng 5 dự án, mỗi dự án kéo dài khoảng 9 -> 12 tháng gì đó. Và các dự án này sẽ nối tiếp nhau chứ không được thực hiện song song đâu nhé, vì khoảng thời gian thực hiện song song đó thì PMI cũng ko tính. Ngoài ra đối với mỗi dự án các bạn khai báo thì cần phải đủ 5 process group theo framework của PMI chứ không phải chỉ 1 công đoạn đâu nhé. Ngoài ra về người reference về các dự án thì bạn nhớ điền thông tin cho đúng, bên phía PMI sẽ check những thông tin này khi cần thiết nên các bạn chú ý không viết láo nội dung này nhé.
- Về điều kiện đào tạo – 35 giờ : là số giờ học về quản lý dự án bạn phải thực hiện trước khi thi PMP. Bạn có thể lấy chứng nhận đảm bảo điều kiện này bằng cách tham dự các khóa học, hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo của các chuyên gia, trung tâm, chương trình, đơn vị đủ quyền hạn. Chứng nhận 35 giờ đào tạo này có giá trị chứng minh thí sinh đã đáp ứng yêu cầu, tiếp thu đầy đủ kiến thức Quản lý dự án theo đúng chuẩn PMI để dự thi PMP. Hiện tại rất nhiều khóa học Online trên coursera hay là udemy đều có thể cung cấp cho bạn chứng nhận 35 giờ đào tạo với chi phí khoảng 10$ trở lên.
Tuy nhiên cũng có nhiều anh chị em đi học thêm ở các trung tâm luyện thi PMP, đối với các trung tâm được PMI verified rồi thì cũng hoàn toàn có thể cung cấp chứng chỉ này. Còn nếu như các trung tâm đó không được PMI công nhận thì họ cũng sẽ hướng dẫn để các bạn lấy được chứng nhận này với chi phí khá rẻ.
Sau khi chuẩn bị được những nội dung trên thì các bạn sẽ tiến hành thực hiện submit hồ sơ thi, sau khi submit hồ sơ thi trong 5 ngày làm việc phía PMI sẽ trả kết quả review hồ sơ. Nếu như các bạn may mắn thì sau đó chỉ việc đóng tiền rồi lên lịch thi, còn nếu như không may mắn do trong hồ sơ của bạn có điểm gì đó nghi vấn thì phía PMI sẽ liên lạc lại để thực hiện audit về các điểm đó.
Như mình thì chưa bị audit bao giờ nhưng mình có tham khảo thì nếu như gặp trường hợp audit về dự án thì bạn cần phải chuẩn bị nội dung liên quan đến dự án rồi xin chữ ký của người reference ngoài phong bì, còn nếu gặp audit về trình độ học vấn thì bạn cần gửi bản sao bằng cấp các kiểu cho PMI.
Tất cả các nội dung liên quan tới audit này đều gửi qua đường bưu điện, sau khoảng 1 2 tuần phía PMI sẽ liên lạc lại, nếu không có vấn đề gì thì các bạn cũng đóng tiền rồi lên kế hoạch thi bình thường.
Như dưới đây là timeline cho việc làm hồ sơ thi PMP, cũng như là gia hạn.
Ngoài ra liên quan tới việc chuẩn bị hồ sơ thi PMP thì các bạn có thể tham khảo handbook chi tiết như bên dưới đây
https://www.pmi.org/-/media/pmi/documents/public/pdf/certifications/project-management-professional-handbook.pdf
2. Review về buổi thi và chiến lược làm đề
Việc thi PMP sẽ không phải là thi online ở nhà mà bạn cần phải đăng ký thi thông qua hệ thống trung tâm khảo thí của Prometric. Như ở Việt Nam thì có trung tâm liên kết đặt tại Nhất Nghệ trong TP HCM thì phải, mình thi ở Nhật nên không rõ về các trung tâm của Việt Nam.
Vào ngày thi mình đặt ca thi từ 13:30 → 17:30, tuy nhiên hồi hộp lo lắng kèm theo chút stress nên hôm đó mình đến địa điểm thi từ 11:00. Sau một hồi làm thủ tục thi các kiểu thì các bạn nhân viên hỏi mình là có muốn thi luôn không hay chờ đến giờ mới thi. Thiết nghĩ không còn gì để mất nên mình cũng đồng ý thi sớm luôn, đằng nào cá cũng lên thớt rồi 🙂
Trước khi vào làm bài thi thì các bạn nhân viên của Prometric hướng dẫn mình cất toàn bộ đồ dùng cá nhân (kể cả nước uống) vào tủ, chỉ cho phép cầm theo giấy tờ cá nhân như passport hoặc thẻ lưu trú(chức năng giống CMND ở Việt Nam) kèm theo mấy tờ giấy như dưới đây.
Khi vào đến cửa phòng thi sẽ có một bạn cầm cái máy quét như ở sân bay rồi quét xem có mang theo thiết bị hoặc tài liệu gì không, sau đó mới cho vào làm bài thi.
Mỗi chỗ ngồi làm đề thi đều có vài cái camera xung quanh cũng như là trước mặt, các bạn nhân viên sẽ thực hiện trông thi thông qua các camera đó.
Ở trên màn hình hiện lên tutorial hướng dẫn làm đề thi, tutorial hướng dẫn các bạn cách mark câu hỏi khi chưa chắc chắn, rồi thì gạch những câu mà mình muốn loại trừ, highlight text cần chú ý … Các bạn sẽ mất khoảng 2 phút đề chạy qua mấy cái tutorial này.
Sau đó điều gì đến cũng phải đến, 240 phút đếm ngược cùng với 200 câu hỏi hiện ra trên màn hình. Điều đầu tiên mình làm khi thời gian bắt đầu chạy không phải là ngấu nghiến làm đề mà là ghi ra giấy nháp tất cả các công thức cần để làm những phần tính toán rồi mới đọc và làm đề, mình sợ trong quá trình làm mất bình tĩnh ko nhớ chính xác được công thức nên những điều cần thiết như thế là ghi ra giấy hết.
Tất cả các câu đều rất dài và khó nên trong khoảng nửa tiếng đầu tiên mình khá là bấn loạn, cảm thấy lo lắng cùng cực, số lượng các câu mình mark lại để check chắc chiếm hơn một nửa các câu đã làm.
Sau đó cũng quen dần và bình tĩnh lại được thì mình tập trung hết sức để hiểu và làm đề. Mình làm một mạch 100 câu trong khoảng 1 tiếng rưỡi, thấy tốc độ cũng khá ổn. Nếu duy trì được tốc độ này thì sẽ có khoảng 1 tiếng để ra soát lại các câu hỏi đã mark.
Nhưng đời không như là mơ, sau khoảng 2 tiếng làm đề thì mình khá là mệt mỏi về đầu óc, khả năng đọc tiếng anh cũng giảm sút đi, có những câu phải đọc chậm lại tới lần thứ ba mới hiểu được nội dung câu hỏi. Đến lúc mình làm hết tất cả các câu hỏi thì thời gian còn lại cũng là khoảng 10 phút. Với gần 70 câu đã mark thì mình nghĩ việc review lại là không thể, kèm theo việc đầu óc đã quá mệt mỏi nên mình đưa ra quyết định là không review gì nữa mà submit luôn.
Sau khi check lại tất cả các câu và sure là đều đã được trả lời hết thì mình bấm submit. Ngay sau khi bấm submit màn hình loading tầm 10 giây và không có chữ chúc mừng nào thì mình đơ thêm 5 giây nữa, đọc kỹ lại nội dung đang show ra thì chỉ là nội dung mong muốn nhận feedback từ phía PMI @.@
Sau khi làm xong feedback mình ngồi đắn đo tầm 2 phút để đủ tâm lý đón nhận mọi kết quả. 10 giây chờ kết quả được show ra có lẽ là 10 giây dài nhất cuộc đời của mình, chưa bao giờ thấy 10 giây lại dài như cả tiếng đồng hồ đến như vậy.
Không thể nào ngọt ngào hơn, cảm xúc khi giải tỏa được những lo lắng, vượt qua được chính mình cũng như là công sức 3 tháng cày quốc dài đằng đẵng đã được đền đáp là một cảm giác phêêêêêêêêêêêêê không tả nổi. Sau nửa năm, đến lúc viết lại những nội dung này thì mình vẫn không thể quên được cái cảm giác chiến thắng đó. Bước ra khỏi phòng thi, ra về với cảm giác khoan khoái lạ thường.
3. Sau khi lấy được PMP
Sau khi phá đảo game PMP này rồi thì bạn sẽ nhận được một mail chúc mừng như bên dưới. Click vào đường dẫn trong mail để order được một cái huy hiệu PMP.
Sau khoảng 2 tuần chờ đợi thì chứng chỉ cùng với huy hiệu của mình đã cập bến như dưới đây.
Những gì đem lại cho mình nhiều nhất không phải là chứng chỉ hay huy hiệu, mà chính là những kiến thức về quản lý dự án mình đã trang bị được sau 3 tháng cày quốc. Những kiến thức này đã support cho công việc của mình rất nhiều, mỗi khi mình gặp một vấn đề gì về mặt quản lý thì chỉ cần tham khảo lại các process là biết mình sẽ cần làm gì để giải quyết. Thật tuyệt vời!
Ngoài ra PMP còn đem lại cho bạn một cảm giác sương sướng khi đọc những bài viết về chủ đề này, những bài viết gọi những người có PMP là CHUYÊN GIA QUẢN LÝ DỰ ÁN – cho dù bạn chưa đạt đến tầm đấy =))
Với một người hay gặp các bên đối tác để trao đổi công việc thì khi gặp nhau lần đầu, name card có logo PMP cũng được bên phía đối tác nể trọng vài phần.
PMP không phải chứng chỉ vĩnh viễn mà có thời hạn 3 năm. Chính vì thế cứ mỗi 3 năm là các bạn phải gia hạn, chi phí gia hạn mình ko nhớ rõ nhưng nó khoảng 100$ hay 150$ gì đó, kèm theo là cứ mỗi 3 năm thì bạn phải kiếm đủ 60 PDUs thông qua các hoạt động như giảng dạy, tham gia seminar, nghe giảng online … Hiện tại công việc bận rộn nên mình cũng chưa có hoạt động kiếm PDU nào 😀 Nhưng còn 2 năm rưỡi nữa để hoàn thành mục tiêu nên chắc ko vấn đề gì :))
4. Lời kết
Các bạn có thể coi việc học thi PMP như một thử thách cho chính các bạn. Việc vượt qua thử thách này phụ thuộc vào cố gắng của mỗi cá nhân, có những người chỉ cần 1 tháng để học thi PMP, nhưng có những bạn sau 2 năm vẫn chưa thể thi được. Mình nghĩ chỉ cần anh chị em cố gắng, chuẩn bị đủ sức khỏe, thời gian và không gian để học thì chắc chắn có thể vượt qua được thử thách này.
Chúc các bạn thành công !
Leave a Reply